Ứ mật trong trong kỳ (Phần 1)

 

Chứng Cholestasis trong thai kỳ, còn gọi là hội chứng Obstetric Cholestasis hay Intrahepatic Cholestasis là một căn bệnh rất hiếm. Cứ 1/1000 phụ nữ mang thai sẽ mắc chứng bệnh này. Đây là một căn bệnh về gan chỉ xảy ra đối với bà bầu. Một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những phụ nữ khác. Mặc dù bệnh không được biết đến rộng rãi, nhưng chứng Cholestasis làm bà bầu cảm thấy khó chịu và khổ sở trong giai đoạn mang thai.

Nguyên nhân của Cholestasis

Axit mật được tạo thành trong gan rồi theo các ống gan đi vào túi mật. Túi mật giúp dự trữ axit mật và bẻ gãy các chất béo cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Trong thai kỳ, lượng nội tiết tố tăng cao làm ảnh hưởng đến dòng chảy mật khiến mật trong gan tràn vào máu. Thay vì được đưa về ruột, axit mật đọng lại ở dưới da. Cảm giác ngứa da là biểu hiện dễ nhận biết nhất của căn bệnh này.

Những nguy cơ gây chứng Cholestasis

  • Phụ nữ có tiền sử về bệnh gan.
  • Phụ nữ đã từng bị bệnh sỏi mật trước đó.
  • Phụ nữ mang thai đôi, ba hoặc nhiều hơn.
  • Có mẹ hoặc chị em gái từng mắc bệnh Cholestasis.
  • Phụ nữ Thụy Điển hoặc Chi-lê có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Từng bị ngứa da khi uống thuốc tránh thai.

Triệu chứng của Cholestasis

  • Ngứa da trầm trọng đặc biệt là trong ba tháng cuối của thai kỳ hoặc lúc sắp sinh. Vào khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ, biểu hiện của bệnh chỉ có ngứa da, không kèm theo nổi mẩn hoặc ban. Ngứa đặc biệt là ở vùng cánh tay, chân và có thể ảnh hưởng đến toàn thân.
  • Có thể ngứa dữ dội nhất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Nước tiểu có màu sẫm do axit mật được thải ra.
  • Tâm trạng thất thường, có thể dễ cảm thấy buồn bực hoặc trầm cảm, bà bầu trở nên khó chịu do bị ngứa.
  • Mất ngủ và thay đổi thói quen ngủ .
  • Cảm thấy mệt mỏi và không lúc nào thư giãn được, thiếu tập trung do buồn ngủ.
  • Phân chuyển sang màu nhạt. Nguyên nhân của việc này là do chất béo chưa tiêu hóa được bài tiết ra trong phân của bà bầu, hay còn gọi là phân mỡ.
  • Cảm giác buồn nôn và khó chịu ở đường ruột.
  • Thấy khó chịu phía trên bụng bên phải.

Làm sao chuẩn đoán được chứng Cholestasis?

Xét nghiệm máu có thể kiểm tra được hàm lượng axit mật trong máu và chức năng gan. Nếu kết quả cho thấy chức năng gan có vấn đề và hàm lượng axit mật cao hơn mức bình thường, thì phải kết hợp với việc kiểm tra tổng quát và xem xét tiền sử bệnh để chuẩn đoán một cách chính xác.

Biến chứng của Cholestasis

Thai nhi không thể chịu đựng được tình trạng tăng cao lượng axit mật của người mẹ. Việc giám sát và theo dõi nguy cơ sinh non là rất quan trọng.

  • Một số bà bầu bị mắc bệnh da và lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng. Đây không phải là một biểu hiện bình thường.
  • Thiếu hụt vitamin K có thể dẫn đến những vấn đề về tắc nghẽn máu và làm tăng nguy cơ chảy máu của cả mẹ và bé. Vì vậy, các bà bầu có thể được bổ sung vitamin K (Konakion) trước hoặc sau khi sinh.
  • Tăng nguy cơ suy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Tăng khả năng bị bệnh Cholestasis ở lần mang thai tiếp theo nếu đã từng mắc chứng bệnh này. Một số nguyên cứu cho thấy nguy cơ tái phát bệnh lên đến 90%.