Tầm soát ung thư cổ tử cung

 

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh phụ khoa thường gặp và rất nguy hiểm ở phụ nữ nhưng nếu được phát hiện sớm thì khả năng trị khỏi bệnh cũng rất cao, 92% người mắc ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi. Bệnh cần được tầm soát 1 cách triệt để.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Nhiễm các vi rút Papilloma ở người (HPV) là nguyên nhân phổ biến nhất hoặc yếu tố nguy cơ cao nhất gây ung thư cổ tử cung. Những loại vi rút này được truyền đi trong quá trình quan hệ tình dục, cũng như thông qua quan hệ tình dục bằng miệng hoặc qua đường hậu môn.

Cơ hội sống sót?

Khi một người mắc bệnh ung thư cổ tử cung mà được điều trị, tỷ lệ sống sót ung thư cổ tử cung 5 năm là 92% cho các giai đoạn sớm nhất, từ 80-90% cho ung thư giai đoạn 1, và 50 – 65% cho giai đoạn 2. Chỉ có 25-35% phụ nữ ở giai đoạn 3 và ít hơn 15% với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm. Do đó, kiểm tra và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất quan trọng.

Tác dụng của tầm soát ung thư cổ tử cung

Việc đi tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện bệnh sớm là hết sức cần thiết. Tầm soát ung thư cổ tử cung thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra để phát hiện sớm ung thư hoặc tế bào bất thường có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung

Hiện nay phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng là xét nghiệm kính phết Pap (Pap smear). Đây là một xét nghiệm đơn giản, được tiến hành bằng cách lấy tế bào cổ tử cung, nhuộm rồi soi dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này là một thủ thuật đơn giản làm trong 15 phút không gây đau đớn.

Bạn nên làm xét nghiệm 1 năm 1 lần và thực hiện cho đến khi 70 tuổi. Nếu kết quả xét nghiệm đầu tiên của bạn cho kết quả bình thường, bạn có thể cân nhắc làm 2 năm một lần. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, bác sĩ sẽ cho làm lại xét nghiệm sau 3-6 tháng.