Mẹ bầu mắc bệnh ung thư vú

 

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến hơn cả ung thư cổ tử cung, có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nặng nề. Hơn thế, đó còn là nỗi ám ảnh khi ung thư vú phát triển trên bộ phận biểu tượng của nữ tính và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
Không chỉ với phụ nữ, nguy cơ và ảnh hưởng của ung thư vú trong các giai đoạn làm mẹ (chuẩn bị mang thai, mang thai và cho con bú) luôn được các giới y khoa quan tâm với rất nhiều nghiên cứu và khảo sát. Ung thư vú xếp đầu bảng ung thư phụ nữ ở nhiều quốc gia, và chiếm tỷ lệ đáng kể (20-25%) trong số chẩn đoán ung thư ở giai đoạn tiền mãn kinh.

Tỷ lệ chẩn đoán ung thư vú tăng dần theo độ tuổi phụ nữ với 1/20.000 ở tuổi 25, 1/1000 ở tuổi trên 30, 1/500 ở tuổi trên 40 và 1/300 ở tuổi ngũ tuần. Tỷ lệ ung thư vú được chẩn đoán trên phụ nữ mang thai là 3/10.000 thai phụ, chiếm tỷ lệ 3% trên tổng số ca chẩn đoán ung thư vú. Khoảng 7% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mang thai và sinh con sau khi điều trị ung thư vú, tỷ lệ này cao hơn nếu người phụ nữ điều trị sớm trong 5 năm đầu chẩn đoán ung thư.

Ảnh hưởng của thai kỳ và cho con bú đối với nguy cơ ung thư vú

Nhìn chung, nguy cơ ung thư vú tăng ở những phụ nữ không sinh con hoặc sinh con đầu lòng muộn. Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho thấy nguy cơ ung thư vú tăng nhẹ ở phụ nữ trong 3-4 năm đầu sau một thai kỳ, những phụ nữ ở giai đoạn này có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn khoảng 20% so với những phụ nữ đã sinh con gần nhất hơn 10 năm. Nguy cơ ung thư vú dường như giảm nhẹ ở những phụ nữ mang đa thai so với những mẹ mang thai đơn, đồng thời tăng ở phụ nữ từng bỏ thai (dù là bỏ thai cố ý hay sảy thai tự nhiên).

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và cho con bú mang lại những lợi ích không thể chối cãi cho cả người mẹ và em bé. Thật vậy, cho con bú trong thời gian dài (6 đến 24 tháng sau sinh) đã được chứng minh là bảo vệ người mẹ khỏi ung thư vú, với nguy cơ phát triển thành ung thư vú ở tuổi tiền mãn kinh và sau mãn kinh giảm từ 30-80%. Cho con bú làm giảm tổng số chu kỳ rụng trứng và duy trì nồng độ estrogen ở mức thấp hơn so với nồng độ nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt, điều này có ý nghĩa trong vấn đề phòng ngừa ung thư vú vì nồng độ hormone estrogen cao được xem là nguyên nhân phát triển ung thư vú.

Nghiên cứu trên phụ nữ Đông Nam Á ở một số nền văn hoá chỉ cho con bú từ vú bên phải, nguy cơ ung thư vú ở vú trái của họ cao gấp 4 lần so với vú phải. Điều này được giải thích là do cho con bú giúp giảm nồng độ PH, hormone estrogen và chất gây ung thư nội sinh ở tiểu thuỳ và tuyến sữa. Ngoài ra, một giả thiết còn tranh cãi cho rằng việc cho con bú cũng là cách giải trừ chất béo (mỡ) hiệu quả qua sữa mẹ giúp làm giảm nguy cơ ung thư gây ra do estrogen (do các mô mỡ cũng là nguồn sản sinh estrogen).

Chẩn đoán ung thư vú trong giai đoạn mang thai và cho con bú

Dù tỷ lệ không quá cao nhưng ung thư vú vẫn là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai với tỷ lệ mắc từ 1-3/10.000 thai phụ. Vấn đề đáng quan tâm là việc chẩn đoán ung thư vú dựa trên khám vú ở phụ nữ mang thai và cho con bú khó khăn hơn nhiều do những thay đổi điển hình ở vú người mẹ mang thai, và đặc biệt là trong thời gian cho con bú. Chính vì vậy, nếu phát triển ung thư vú trong thời gian này, người phụ nữ thường bị chẩn đoán muộn với hậu quả là khối u thường lớn hơn, ở giai đoạn tiến triển bệnh nặng hơn và có thể đã di căn. Nếu bạn đang chuẩn bị mang thai, nên “đón đầu” bằng cách tiến hành khám vú tổng quát tiền thai kỳ để loại trừ nguy cơ phát triển ung thư trong thai kỳ, hoặc có thể yêu cầu bác sĩ sản khoa khám vú ở giai đoạn sớm của thai kỳ trước khi có hiện tượng căng vú hoặc việc khám vú có thể kích thích co thắt tử cung.

Tương ứng với độ tuổi và giai đoạn tiến triển bệnh, thai phụ bị ung thư vú có thể sống sót từ 5-10 năm tương tự như bệnh nhân ung thư vú không mang thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy thai kỳ và việc cho con bú có tác động tiêu cực đối với tình trạng bệnh khiến tiến triển bệnh, di chứng nặng hơn và thời gian sống sau điều trị cũng ngắn hơn.

Ung thư di căn vào nhau thai được báo cáo là không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Trong giai đoạn cho bú, người mẹ bị ung thư vú đôi khi có thể có triệu chứng tắc ống dẫn sữa. Triệu chứng này cần được điều trị tích cực bằng xoa bóp, chườm nóng và thay đổi tư thế cho bú để bảo tồn tuyến sữa đồng thời tiếp tục theo dõi và chẩn đoán các vấn đề nghiêm trọng hơn. Tắc tuyến sữa, viêm vú tái phát và sốt do viêm vú không giảm sau điều trị bằng kháng sinh cần được theo dõi và đưa vào diện nghi ngờ ung thư vú ở phụ nữ sau sinh. Hiện tượng trẻ sơ sinh từ chối vú mẹ cũng có thể là một dấu hiệu khá tinh tế để nghi ngờ có tổn thương ác tính ở vú.

Phương pháp tự khám vú định kỳ được khuyến khích đối với bà mẹ mang thai và cho con bú, khoảng 90% các ca phát hiện ung thư vú bằng cách này. Một khi nghi vấn ung thư vú, bạn được chỉ định chụp nhũ ảnh với vùng bụng được che chắn và siêu âm ngay để xác định khối u là lành hay ác tính. Phương pháp này ngày nay không chống chỉ định với phụ nữ mang thai do đã được che chắn hiệu quả để tránh tác hại đến thai nhi. Tuy nhiên, kỹ thuật này cho ra đến 37% kết quả âm tính giả do sự tăng trữ nước và tăng trưởng tuyến sữa ở vú trong thai kỳ; tương tự, chụp nhũ ảnh cũng kém nhạy đối với các bà mẹ đang cho con bú. Do vậy, cả khi kết quả nhũ ảnh âm tính, bạn vẫn cần được theo dõi và đánh giá sâu hơn đối với các khối u không gây đau ở ngực.

Chọc hút tế bào và sinh thiết vú được thực hiện an toàn trong thai kỳ và thời gian cho bú, nhưng ngược lại với chụp nhũ ảnh, kỹ thuật tầm soát này có thể cho kết quả dương tính giả do mật độ tế bào cao, nhân rõ và có các vụn tế bào dễ nhầm lẫn với ung thư. Nhìn chung chọc hút và sinh thiết là biện pháp tầm soát ung thư khá nhạy và cũng không đòi hỏi phải cai sữa mẹ cho bé nhưng có thể để lại biến chứng rò sữa sau sinh thiết.

Khi bà mẹ đang cho con bú được chẩn đoán ung thư vú, người mẹ nên ngừng cho bú để tiến hành điều trị tích cực ngay. Phụ nữ đang xạ trị có thể phải gián đoạn cho bú tạm thời hoặc được chỉ định không cho bú trực tiếp từ vú mẹ, nhưng phụ nữ đang hoá trị thì không nên cho con bú do có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh.

Nếu phát hiện ung thư trong giai đoạn sớm (3 tháng đầu) mang thai, người mẹ có thể được khuyên bỏ thai để tiến hành xạ trị sớm. Thai có thể được giữ ở giai đoạn sau của thai kỳ, nhưng phải cân nhắc việc tiến hành xạ trị dù có che chắn. Phương pháp điều trị ung thư vú trong thời gian mang thai chủ yếu vẫn là cắt bỏ vú triệt để kết hợp xạ trị và hoá trị bổ trợ. Hoá trị có thể gây ra các tác dụng phụ làm thai chậm phát triển trong tử cung, chuyển dạ sớm, sinh non, giảm bạch cầu ở trẻ sơ sinh, rụng tóc và mãn kinh sớm đối với người mẹ, đặc biệt là mẹ trên 30 tuổi. Thời điểm sinh con tối ưu cũng nên được chỉ định bởi bác sĩ.

Mang thai và cho con bú sau khi điều trị ung thư vú

Tin mừng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sau khi điều trị ung thư vú vẫn có thể mang thai và sinh con mà không làm tiên lượng ung thư của họ xấu đi đáng kể. Vì hầu hết các trường hợp ung thư vú sẽ tái phát trong vòng 2-3 năm sau lần chẩn đoán và điều trị đầu tiên, bệnh nhân được khuyên trì hoãn mang thai sau đợt điều trị 3 năm. Riêng với bệnh nhân ung thư vú đã tấn công vào hạch bạch huyết vùng nách, thời gian trì hoãn mang thai được kéo dài đến 5 năm. Phụ nữ sống sót sau điều trị ung thư vú có nguyện vọng mang thai cần được tư vấn đầy đủ từ bác sĩ chuyên khoa sản và ung bướu.

Với phụ nữ sau sinh, không có bằng chứng cho thấy cho con bú mẹ làm tăng nguy cơ ung thư vú tái phát hoặc thứ phát cũng như tác động xấu đến sức khoẻ đứa trẻ bú mẹ. Do vậy, người mẹ sau sinh không phát hiện có u ở ngực vẫn nên tiếp tục cho con bú như mọi bà mẹ khác.