Lợi ích của việc lưu giữ tế bào gốc dây rốn (Phần 2)
Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân kết hợp cùng với hóa trị và/hoặc xạ trị để điều trị các bệnh ung thư không phải ung thư máu khẳng định thêm một lợi ích nữa của việc lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn.
Khi nâng liều cao phóng xạ hay hóa chất đủ để tiêu diệt hết các tế bào ung thư trong cơ thể thì giải quyết vấn đề suy tủy như thế nào?
Các bệnh nhân bị ung thư ngoài cơ quan tạo máu nếu chưa có di căn vào tủy xương thì tủy xương của họ vẫn bình thường. Vậy trước khi điều trị bằng hóa chất hoặc phóng xạ có thể lấy tế bào gốc từ tủy xương của họ (chọc hút tủy xương hoặc dùng thuốc “huy động” chúng ra máu ngoại vi để thu hoạch ), tạm cất vào ngân hàng rồi mới dùng liều hóa chất hoặc phóng xạ đủ cao để diệt hết tế bào ung thư.
Dù phóng xạ hay hóa chất liều cao có tiêu diệt tế bào gốc tạo máu trong tủy xương của bệnh nhân thì tủy xương vẫn còn cơ hội tái tạo nhờ ghép lại các tế bào gốc tủy xương của chính bệnh nhân đã được lấy ra khỏi cơ thể đem cất giữ trước đó. Sau khi điều trị bằng hóa chất hoặc phóng xạ, bệnh nhân được chăm sóc trong điều kiện vô trùng, sử dụng thuốc kháng sinh và truyền máu (nếu cần) để ngăn ngừa các biến chứng nhiễm trùng và để thải độc, thải xạ ra khỏi cơ thể.
Khi các tế bào ung thư đã bị tiêu diệt hết, các tế bào gốc “chính chủ” của bệnh nhân được truyền trở lại sẽ “tái định cư” ở tủy xương để tái tạo, phục hồi lại hệ tạo máu và hệ miễn dịch cho cơ thể. Như vậy là vừa đạt được mục đích tiêu diệt hết tế bào ung thư vừa hồi phục được tế bào tạo máu trong tủy xương. Đây là một thành công rất đáng khích lệ và cần được nghiên cứu tiếp tục về hiệu quả lâu dài.
Tuy nhiên, việc lấy tế bào gốc từ tủy xương hay máu ngoại vi của người đã bị ung thư đem cất tạm thời rồi truyền trở lại sau khi điều trị bằng hóa chất hoặc phóng xạ vẫn có rủi ro ở chỗ nếu trong tủy xương hoặc máu ngoại vi của bệnh nhân (đặc biệt là bệnh nhân ung thư đã có khối u lớn, khối u xâm lấn hoặc di căn) có lẫn tế bào ung thư “lai vãng”,thì khi ghép lại vẫn có nguy cơ tái phát ung thư.
Ngoài ra lấy tế bào gốc lúc cơ thể đã bị ung thư thì thường là lúc cơ thể đã ít nhiều bị suy kiệt, do đó giải pháp này mang tính “cực chẳng đã”. Vì vậy, cất tế bào gốc tủy xương hay máu ngoại vi từ rất sớm khi cơ thể chưa bị ung thư hoặc cất tế bào gốc dây rốn ngay từ khi mới sinh ra là những giải pháp “khôn ngoan” hơn vì đây là những nguồn tế bào gốc “ chính chủ” nhưng “ sạch” ( không lẫn tế bào ung thư) được cất giữ khi cơ thể còn khỏe mạnh .
Cần nhớ rằng việc ghép tế bào gốc “chính chủ” có lợi điểm ở chỗ không gây ra phản ứng “mô ghép chống túc chủ” ( một tai biến hay gặp khi lấy tế bào gốc từ một cơ thể khác ghép cho bệnh nhân đã suy giảm miễn dịch do bị tiếp xúc với phóng xạ hay hóa chất gây độc tế bào ).
Song song với những nỗ lực của các nhà khoa học nghiên cứu các biện pháp mới để chữa trị các bệnh nan y; việc chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu quí báu là các tế bào gốc “chính chủ” lại là quyết định của mỗi người lúc còn khỏe. Có thể lấy tế bào gốc từ nhiều nguồn, nhưng trong các nguồn ấy thì việc cất giữ tế bào gốc từ dây rốn ( đặc biệt là từi máu dây rốn) là một giải pháp lý tưởng.
Sở dĩ như vậy là vì :(1) việc lấy máu dây rốn không xâm phạm, không gây đău đớn cho cơ thể ; dây rốn sau khi sinh được xem như “rác thải y tế” chỉ bỏ đi nay được sử dụng một cách hữu ích ,(2) tế bào gốc máu dây rốn là loại tế bào gốc có khả năng sinh sản lớn hơn những tế bào gốc lấy từ cơ thể trưởng thành.
Vì vậy khi ghép vào cơ thể, tủy xương sẽ được tái tạo nhanh hơn. Đó là lý do vì sao mỗi bà mẹ, ông bố trước khi sinh con nên nghĩ ngay đến việc tham gia lưu giữ tế bào gốc dây rốn cho con. Đó là một sản vật quý báu mà “tạo hóa” đã “ban tặng” cho em bé và việc ông bố, bà mẹ giúp bé lưu giữ tế bào gốc dây rốn ( cần nhớ rằng bé mới là “ chính chủ” của mẫu máu dây rốn, chứ không phải là bố hoạc mẹ) sẽ làm cho nó trở thành món quà vô giá để tặng cho bé ngay từ những phút đầu đời và trở thành một “phương thuốc cứu cánh” cho bản thân bé lúc lớn lên chẳng may mắc bệnh ung thư.