Giác quan của thai nhi (Phần 1)

Bạn cho rằng thai nhi còn trong bụng mẹ là vô tri vô giác ư? Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm đấy nhé. Tuy vẫn chỉ đơn thuần là một bào thai, nhưng đứa bé đã có khả năng nghe, tiếp nhận và phản hồi lại quá các giác quan của nó. Hãy cùng khám phá các giác quan của trẻ và xem sự ảnh hưởng của bố mẹ như thế nào lên chúng nhé!
1.Thính giác: Trong 5 giác quan, thính giác của bé phát triển sớm nhất. 
Trong giai đoạn bào thai, bé thường ngủ trong phần lớn thời gian. Đến tháng thứ 6, bé bắt đầu xuất hiện phản ứng nghe được những âm thanh từ bên ngoài. 

Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, bé dễ dàng nghe được những tiếng động có âm hưởng trầm. Chẳng hạn như tiếng tim đập, cử động của dạ dày từ cơ thể bạn hoặc sự chuyển động của máu qua nhau thai (cường độ của những âm thanh đó ở mức 30 decibel, tương đương với tiếng thì thầm trong phòng kín). 

Bé sẽ có phản ứng với âm thanh có tần số thấp trước, sau mới đến các âm thanh có tần số cao.

Khoảng thời gian này, bé cũng có thể nghe được giọng nói của bạn. Tiếng động có khả năng thay đổi nhịp tim của thai nhi. Tiếng nói của mẹ có tác dụng tới bé một cách trực tiếp vì nó chuyển thẳng từ cơ thể người mẹ tới bé.

Ngoài ra, bé cũng có thể nghe được giọng của bố (hoặc anh hay chị bé), thậm chí là những loại âm nhạc từ bên ngoài bụng mẹ. Từ tuần 32 trở đi, bé có thể nhớ được bản nhạc (hoặc bài hát) mà bé vẫn nghe hàng ngày, đồng thời sau khi sinh, bé sẽ nhận ra được bài hát, bản nhạc đó.

Những hoạt động từ người mẹ– Tăng cường giao tiếp: Giọng nói từ mẹ có tác dụng gắn kết tình mẫu tử với bé theo cách tự nhiên nhất. Nói cho bé những câu từ vui tươi khi bé thức trong bụng mẹ cũng có tác dụng tốt cho sự phát triển của thai nhi. Những bé được thường xuyên nghe giọng của bố mẹ ngay từ lúc còn trong bụng mẹ sẽ có được sự gần gũi, thân thiện với bố mẹ sau khi chào đời.

Thủ thỉ những tâm tư của bạn: Nói cho bé biết bạn yêu bé nhiều như thế nào, bạn mong chờ được đón chào bé hoặc có thể chia sẻ với bé cả những phần việc bạn vẫn làm hàng ngày. Càng nghe nhiều, bé sẽ càng nhận biết và gần gũi với giọng nói của bạn hơn.

Bạn cũng nên khuyến khích bố của bé cùng giao tiếp. Bé sẽ sớm phân biệt và có phản ứng với giọng nói của bố và mẹ. Gợi ý để bố của bé trò chuyện với bé hàng ngày bằng cách: trước khi đi ngủ, hai vợ chồng cùng đặt tay lên bụng bầu (bố có thể ghé sát đầu xuống bụng bầu, hỏi chuyện hoặc chúc bé ngủ ngon). Đôi khi, bé cũng có phản ứng đáp trả lại lời của bố (mẹ) bằng cách đạp vào bụng mẹ.Mặc dù chưa hiểu bố mẹ nói gì nhưng bé dần dần sẽ quen những đặc điểm ngôn ngữ. Từ đó giúp bé sau khi chào đời có khả năng phân biệt được giọng nói với các loại âm thanh khác. 

– Đọc sách cho bé: Đây cũng là một cách trò chuyện, gần gũi với bé. Bạn có thể đọc to những thông tin trên một cuốn sách (hoặc báo, tạp chí) để bé có cơ hội được nghe giọng nói của bạn. 

Đơn giản hơn, bạn có thể ghi nhật ký và đọc to lên cho bé nghe hàng ngày.

– Cho bé nghe nhạc: Nhạc cổ điển có tác dụng kích thích trí thông minh cho bé ngay từ trong bụng mẹ. 

Thời gian: 5-10 phút mỗi lần. 

Thời điểm: Chọn lúc bé thức giấc, tránh những lúc bé ngủ để đảm bảo không làm bé mệt vì tiếng động.

Nếu bận bịu với công việc, bạn có thể tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ, hai mẹ con cùng nghe nhạc trong vòng 5 phút. Bé thường ngủ say khi bạn hoạt động và thức giấc khi bạn nghỉ ngơi, nên bạn có thể cùng thư giãn với bé bằng một bản nhạc êm dịu.

Ở nhà, có thể chọn thời điểm đang ngâm mình trong bồn tắm hoặc trước khi đi ngủ để cùng bé nghe một bản nhạc ưa thích. Nó sẽ giúp bạn và bé vừa thư giãn, đồng thời bạn vừa vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cơ thể khoẻ hơn và bé cũng rất thích điều này.

Lưu ý: Bạn nên chọn loại nhạc và bộ tai nghe được thiết kế dành riêng cho bà bầu. Khi đi làm, bạn có thể nối với máy tính ở cơ quan. Khi ở nhà, bạn có thể chọn một chiếc máy nghe nhạc mini để hai mẹ con có thể thưởng thức âm nhạc trên giường.