Để có thai nhi khoẻ mạnh, cần lưu ý đến những yếu tố này (Phần 1)
Những yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của bào thai, tác động đến sức khỏe sau này của đứa trẻ là tuổi tác, sức khỏe, dinh dưỡng, điều kiện lao động của mẹ khi mang thai và cho con bú.
- Tuổi tác của người mẹ
Cơ thể của con người được phát triển và lớn lên trong một quá trình rất dài cho đến 25 tuổi mới thực sự ngừng lớn và phát triển hoàn toàn, với người phụ nữ cũng vậy. Tuy nhiên với cơ thể của phụ nữ thì tuổi 30 trở đi đã bắt đầu có hiện tượng thoái hóa, già cỗi dần.
Chính vì vậy thời gian thực hiện thiên chức sinh sản, sinh con tốt nhất của người phụ nữ là từ 25 đến 30 tuổi. Nếu đẻ sớm hơn, đẻ trước 25 tuổi sẽ làm cho cơ thể người mẹ ngừng lớn, ngừng phát triển, vì phải chia sẻ phần mình cho cái thai.
Chính vì vậy, ở các nước nghèo, chậm phát triển, đặc biệt là các nước phương đông, châu Á, do tục lệ gả chồng sớm cho con gái, đã làm cho phụ nữ thấp bé, còi cọc, đứa trẻ đẻ ra cũng dễ bị còi cọc cho dù người chồng có cao to. Điều này có nghĩa là tầm vóc, chiều cao của người mẹ sẽ quyết định tầm vóc, chiều cao của các con. Tầm vóc phụ thuộc vào tuổi của người mẹ lúc mang thai. Tuổi của người mẹ không những ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, mà còn có thể vì tuổi quá lớn vẫn sinh con sẽ dễ đẻ ra những đứa trẻ không bình thường, bị dị tật bẩm sinh, điển hình là hội chứng Down, tim bẩm sinh, hở hàm ếch, sứt môi, nên sau 35 tuổi sinh đẻ sẽ không an toàn.
- Sức khỏe của bà mẹ
Cần chăm sóc thai nhi ngay từ đầu để có những đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất và trí tuệ sau này.
Sức khỏe của mẹ sẽ quyết định sức khỏe của con. Nếu mẹ khỏe mạnh sẽ đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Trong thời gian có thai, nếu mẹ bị cúm, sốt phát ban, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp, sẽ dễ đẻ ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Khi mẹ đang có những bệnh mạn tính như sốt rét, viêm gan, thấp tim, phù thận, cần phải chữa khỏi bệnh rồi mới mang thai. Có những bệnh của người mẹ có khả năng lây truyền cho con như giang mai, HIV/AIDS, vì vậy cần khám sức khỏe, nếu thực sự an toàn khỏe mạnh hãy sinh con.
Có một số bệnh di truyền, mẹ mang các gen bệnh trong người nhưng vì thể ẩn nên không biểu hiện thành bệnh (như một số các bệnh nột tiết và di truyền, chuyển hóa). Trong trường hợp này bà mẹ cần đến gặp các thầy thuốc nhi khoa về di truyền học, nội tiết học để có lời khuyên và những biện pháp chẩn đoán sớm, cái thai nào là lành mạnh nên để sinh, cái thai nào mang mầm bệnh cần chấm dứt sớm để không đẻ ra những đứa con mang bệnh.
–> Còn tiếp