Cẩn trọng trong vận động của mẹ bầu
Khi mang thai, tùy theo tuổi thai và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà có chế độ làm việc phù hợp. Có thể duy trì những hoạt động thường ngày và cần nhẹ nhàng, tránh làm việc quá sức, nhất là những tháng cuối thai kỳ để đề phòng việc sanh non có thể xảy ra do tử cung bị kích thích tạo ra cơn co.
Để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cho đứa con thân yêu của bạn, bạn cần phải làm nhiều việc, trong đó giữ vệ sinh thai nghén là một vấn đề cần quan tâm, bao gồm:
- Vệ sinh trong sinh hoạt và lao động,
- Ăn uống đủ chất,
- Đảm bảo các tư thế và động tác đúng và phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Những động tác thể dục nhẹ nhàng, vừa sức vào những thời điểm thích hợp trong thai kỳ sẽ mang lại những lợi ích rõ rệt cho bạn và thai nhi, nó giúp tinh thần sảng khoái, tuần hoàn máu được lưu thông. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện với mức độ vừa phải và nghỉ ngơi bất cứ khi nào bạn cảm thấy mệt và đuối sức.
Việc hít thở sâu giúp thải một lượng khí cácbonic cao và hít vào lượng oxy lớn có lợi cho hô hấp của mẹ và thai nhi và càng có lợi khi sanh.
Khi thai được 20 tuần tuổi, bạn sẽ được mời tham gia lớp Chuẩn bị làm mẹ trước sanh, nếu tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi cho phép. Lớp học sẽ hướng dẫn nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng thai nghén của bạn.
Khi thai nhi ngày càng lớn, bụng của thai phụ sẽ có xu hướng nhô về phía trước, do vậy, vị trí trọng tâm thay đổi. Ngoài ra, hiện tượng giãn sinh lý của các dây chằng trong xương chậu, các đốt sống thắt lưng dễ bị nghiêng về phía trước, áp lực lên cơ bụng tăng lên khiến bạn dễ bị mệt mỏi và đau lưng.
Để tránh những nguy cơ này, trong thời gian mang thai, các thai phụ nên thực hiện và duy trì những tư thế đúng trong sinh hoạt.