Cảm nhận thay đổi ở mẹ mang thai (Phần 3)
Đây có lẽ là thời gian cam go của mẹ, có khá nhiều thay đổi trong quý thứ 3 của thai kỳ. Tất cả vì sự ra đời của bé. Hãy lấy đó làm điều hạnh phúc mà cố gắng mẹ nhé!
- Thay đổi ở ba tháng cuối thai kỳ (tiếp theo)
Hoa mắt chóng mặt
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Chóng mặt thời kỳ thai nghén là một biểu hiện thường thấy, có thể do bệnh lý hoặc cơ thể phản ứng lại với mầm sống mới đang hình thành.
Khi có thai, nội tiết tố progesterone tăng lên giúp thai nhi phát triển nhưng cũng làm giãn mạch do đó máu có khuynh hướng dồn xuống chân và đến nuôi tử cung nhiều hơn. Ngoài ra, sự suy giảm chức năng vỏ thượng thận, thiếu vitamin B6, ăn uống kém cũng có thể làm chóng mặt.
Một số trường hợp bệnh lý xảy ra vào những tháng cuối như tăng huyết áp, nước tiểu có đạm, phù nhiều ở mắt cá chân, cẳng chân hoặc toàn thân (tiền sản giật) hoặc thiếu máu cũng gây chóng mặt. Đây là tình trạng phổ biến, nhất là đối với những phụ nữ cơ thể gầy yếu, khi mang thai không được uống bổ sung sắt. Vào cuối thai kỳ, dung lượng huyết tương tăng nhanh hơn so với sự gia tăng huyết sắc tố, khiến máu bị loãng, tỷ lệ hồng cầu hạ thấp làm thai phụ bị thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu nặng sẽ ảnh hưởng đến đại não và tai trong, gây váng đầu, ù tai, mất thăng bằng, mất sức, sắc mặt tái xanh…
Để tránh chóng mặt, trước khi mang thai, cần bồi dưỡng sức khỏe, nhất là đối với người có thể trạng gầy yếu. Khi có thai cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không dùng chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
Ngủ đủ 8 tiếng một ngày, không làm công việc nặng nhọc, nên luyện tập bằng hình thức đi bộ thư giãn. Đứng lên từ từ khi đang nằm hoặc ngồi, nằm nghiêng bên trái khi nghỉ ngơi. Ăn nhiều bữa trong ngày để tránh hạ đường huyết.
Cần uống viên sắt mỗi ngày. Nếu đột nhiên xảy ra tình trạng chóng mặt kéo dài, hoa mắt, mắt nhìn mờ hoặc nhìn đôi, cần đến ngay bác sĩ để cả bà mẹ và thai nhi được bảo vệ an toàn.
Xuất hiện cơn gò tử cung
Ở tháng thứ 8 hoặc 9, bạn có thể cảm thấy thỉnh thoảng có các cơn gò cứng ở bụng; đó là cơn gò Braxton-Hicks, tương tự như sự khởi động chuẩn bị cho quá trình sinh nở thực sự của bạn. Cơn gò này không gây đau và bạn đừng nên quá lo lắng vì nó.
Tiểu nhiều
Vào những tháng cuối thời kỳ thai nghén, đầu thai nhi nằm trong xương chậu lại ép vào bàng quang khiến dung tích bàng quang bị thu hẹp gây kích thích đi tiểu nhiều lần, mặt khác thận cũng làm việc tăng lên để thải trừ các chất cặn bã trong cơ thể. Mặc dù số lần đi tiểu tăng và gây nhiều phiền toái cho bạn trong thời kỳ này, song cũng không nên lo lắng vì đây là một hiện tượng sinh lý bình thường mà hầu hết các thai phụ mắc phải. Để tránh hiện tượng đi tiểu nhiều vào đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, bạn nên hạn chế uống nước vào buổi tối, đặc biệt không nên uống nước sau 10 giờ đêm. Tuy nhiên, ban ngày cần phải thường xuyên uống nước để cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể của bạn và thai nhi và giúp thận lọc tốt.
Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường bên cạnh hiện tượng đi tiểu nhiều như: tiểu gấp, tiểu rát, tiểu đau buốt, són tiểu hay những dấu hiệu bất thường ở nước tiểu như tiểu ra máu, mủ… thì bạn cần kịp thời đi khám bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc khi thấy bất kỳ hiện tượng nào nói trên.
Lúc này ta cũng có thể hình dung được tư thế của đứa bé trong tử cung, cơ thể chuẩn bị cho việc sinh con nên những cơn co tử cung sớm xuất hiện những không kèm theo đau bụng, thai di chuyển xuống thấp hơn.
Phụ nữ có thai ở những tháng cuối dễ bị táo bón do thai lớn gây chèn ép ruột già khiến phân chậm di chuyển, sự co bóp của ruột (nhu động ruột) giảm do sự vận động kém khi mang thai và do ảnh hưởng của nội tiết, sự bổ sung thực phẩm có chứa sắt hoặc uống viên sắt. Táo bón làm phân và hơi ứ đọng trong ruột già gây đầy hơi, chướng bụng rất khó chịu.
Nên uống nhiều nước (6-8 ly) mỗi ngày, ăn nhiều rau, trái cây và các thực phẩm có chất xơ. Tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng và quan trọng là không cố nhịn khi có nhu cầu muốn đi vệ sinh. Quan trọng là không được tự ý dùng các loại thuốc có tác dụng xổ vì có thể gây ảnh hưởng đến thai.
Do tăng thể tích máu và áp lực vì tử cung ngày càng lớn, thường gặp nhất là do chế độ làm việc (những bà mẹ ngồi lâu, ít vận động có xu hướng mắc chứng bệnh này nhiều hơn) hay do tuổi tác.
Để tránh chứng giãn tĩnh mạch, bạn cần tránh đứng, ngồi lâu, để chân lên cao khi ngồi, tránh ngồi bắt chéo hai chân. Mặc quần áo rộng rãi, tránh để tăng cân quá nhanh khi có thai, tập thể dục và vận động nhẹ nhàng mỗi ngày.
Trĩ
Một dạng của giãn tĩnh mạch ở trực tràng, tĩnh mạch căng phồng gây xuất huyết, ngứa và đau quanh hậu môn, do tăng tuần hoàn và áp lực trên trực tràng vì sự phát triển của bào thai và do những nguyên nhân gây chứng giãn tĩnh mạch ở trên.
Một chế độ ăn cân bằng, hợp lý và đủ chất dinh dưỡng, giàu chất xơ sẽ củng cố chức năng thành mạch, giúp giảm đau do giãn tĩnh mạch, giảm tình trạng táo bón. Uống nhiều nước đặc biệt là nước trái cây. Không nên ngồi hay đứng lâu mà nên thay đổi tư thế thường xuyên, không gắng sức rặn khi đại tiện, vê sinh sạch vùng hậu môn sau khi đại tiện.
Do sự gia tăng áp lực của tử cung trên mạch máu làm giảm dẫn máu từ phần dưới cơ thể về tim làm ứ dịch gây phù ở chân. bạn cần tránh đứng lâu, uống nhiều nước, hạn chế ăn mặn, ăn nhiều thức ăn chứa chất đạm. Mặc quần áo rộng rãi, không mang giày chật. Gác chân cao khi ngồi. Cần đến khám bác sĩ nếu phù xuất hiện lên cẳng chân, tay và mặt hay phù có kèm theo nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt vì đó là triệu chứng tiền sản giật.