Cảm nhận thay đổi ở mẹ mang thai (Phần 2)

 

Mang thai là một quá trình tiếp diễn, tiếp diễn cho đến lúc em bé được sinh ra. Chưa kịp quen dần với những thay đổi khi mới mang thai, mẹ sẽ phải đón nhận những thay đổi khác trong quý thứ 2, thứ 3 của thai kỳ. Khoảng thời gian hạnh phúc đây rồi, mẹ hãy cảm nhận sự sống của con mình mẹ nhé!

  1. Thay đổi ở ba tháng giữa thai kỳ

Tăng cân

Các triệu chứng mệt mỏi và buồn nôn trong những tháng đầu dần giảm đi và biến mất, tình trạng nghén sẽ hết. Bạn ăn uống thấy ngon miệng hơn; tuy nhiên cơ thể sẽ có những thay đổi khác như bụng lớn dần lên, tiếp tục tăng cân vì em bé tiếp tục lớn. Mọi thai phụ đều tăng cân ở những mức độ khác nhau.

Trung bình, một thai phụ bình thường có thể tăng khoảng 0,5kg mỗi tuần, hoặc 1.5 đến 2 kg mỗi tháng trong ba tháng giữa thai kỳ.

Thai máy

Thai máy là hiện tượng thai nhi cử động bên trong bụng mẹ tạo nên những tác động mà người mẹ có thể cảm nhận được, đây được xem là một trong những tiêu chí xác định tình trạng phát triển và sức khỏe của thai nhi.

Thường bé đã bắt đầu cử động từ tuần 7 hoặc 8 và bạn đã có thể thấy bé xoay trở trong bụng mẹ qua hình ảnh siêu âm. Tuy nhiên, cảm giác thai máy rõ rệt hơn sẽ xuất hiện từ sau tuần 18.

Các bà mẹ đã từng sinh con thường dễ nhận ra những cú đạp nhẹ đầu tiên của bé hơn là các bà mẹ lần đầu mang thai. Những phụ nữ gầy hơn thường cảm nhận cử động của con tốt hơn là các phụ nữ nặng cân hơn.

  1. Thay đổi ở ba tháng cuối thai kỳ

Khó thở và khó ngủ

Nhiều thai phụ cảm thấy thở khó khăn hơn do tử cung ngày càng lớn gây chèn ép cơ hoành. Thai nhi tiếp tục lớn và cử động, nhưng bây giờ bé có ít khoảng không hơn bên trong tử cung của mẹ. Do đó, bạn sẽ không còn cảm thấy trẻ đạp hoặc chuyển động nhiều bằng ở 3 tháng giữa. Bé cũng sẽ bắt đầu di chuyển đến đúng tư thế để đi ra ngoài. Bạn có thể cảm thấy trẻ di chuyển xuống vùng bụng dưới. Hiện tượng này có thể làm bụng dưới nặng hơn nhưng lại giúp giảm áp lực ở lồng ngực giúp bạn dễ thở hơn, tuy nhiên cũng ở giai đoạn này, do sự tăng chuyển hóa của cơ thể nên đôi khi sẽ làm bạn khó ngủ. Để giúp dễ ngủ, bạn tránh ăn nhiều trong vòng 3 giờ trước khi ngủ, vận động nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ. Tránh ngủ quá lâu vào ban ngày, giảm bớt những căng thẳng bằng cách trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, với chồng hay với bác sĩ của bạn.

Đau lưng

Do căng cơ lưng, do thay đổi nội tiết tố, bụng ngày càng phát triển làm trọng tâm cân bằng bị thay đổi khiến lưng bạn bị cong gây đau lưng. Bạn nên mang giày thấp, không xách đồ nặng, không đứng lâu, luôn giữ cho lưng thẳng khi ngồi và đứng.

Khi ngủ nằm nghiêng với gối giữa hai chân, vận động hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Chườm nóng, xoa bóp massage vùng lưng cũng giúp dịu những cơn đau lưng.

Chuột rút

Khi tử cung ngày càng lớn, trọng lượng cơ thể vì thế cũng tăng lên dồn xuống các cơ bắp ở chân khi đi, đứng, làm việc dẫn đến chứng chuột rút. Đa số phụ nữ có thai gặp tình trạng này là do thiếu can xi vì khi có thai, nhu cầu canxi của phụ nữ cao hơn nhiều bởi ngoài cung cấp cho cơ thể còn phải nuôi thai nhi. Nếu không được cung cấp đủ, canxi sẽ được lấy từ cơ thể mẹ để tập hợp cho con, gây ra tình trạng thiếu canxi. Ngoài chứng chuột rút, những biểu hiện thiếu can xi khác như hư răng, đau lưng… cũng xuất hiện.

Để giảm triệu chứng chuột rút, cần làm giãn cơ từ từ bằng cách duỗi thẳng chân, nhẹ nhàng xoa bóp bắp chân. Ăn thức ăn giàu canxi, kali có nhiều trong sữa, tôm, cua, ốc, chuối, phô mai. Mang giày đế thấp thoải mái, đặt chân lên cao khi ngồi, tránh ngồi bắt chéo hai chân, tránh nằm ngửa vì trọng lượng cơ thể và áp lực tử cung làm chậm tuần hoàn ở chân gây chuột rút.

 -> còn tiếp