Bệnh viêm họng khi mang thai
Bệnh viêm họng ở bà bầu lại thường xuất hiện trong ba tháng đầu của thai kỳ. Vì vậy, việc sử dụng thuốc khi chăm sóc bà bầu bị viêm họng cần hết sức thận trọng để tránh tác dụng phụ của thuốc.
Bệnh viêm họng khi mang thai
Theo điều tra, số bà bầu xuất hiện viêm họng chiếm tới trên 70%. Thay đổi nội tiết là một trong những yếu tố thuận lợi gây viêm họng. Bệnh viêm họng ở bà bầu lại thường xuất hiện trong ba tháng đầu của thai kỳ. Vì vậy, việc sử dụng thuốc khi chăm sóc bà bầu bị viêm họng cần cẩn thận để tránh tác dụng phụ của thuốc đối với thai nhi.
Bà bầu tuyệt đối không được tự điều trị viêm họng. Việc điều trị phải được sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng cũng như sản khoa và người thân phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị trong việc chăm sóc bà bầu bị viêm họng.
Viêm họng do vi khuẩn gây ra
Phải điều trị bằng kháng sinh nếu viêm họng do vi khuẩn. Các thuốc nhóm beta-lactam sẽ an toàn cho bà bầu kể cả trong ba tháng đầu. Tuy nhiên, kháng sinh này cũng không được sử dụng trong trường hợp bà bầu dị ứng với các thành phần của thuốc cũng giống như các thuốc khác hoặc những phụ nữ nhiễm độc thai nghén phải xác định liều an toàn. Một nhóm thuốc khác cũng có thể sử dụng cho việc chăm sóc bà bầu bị viêm họng trong trường hợp dị ứng nhóm beta-lactam là macrolid.
Viêm họng do virut
Đối với các trường hợp viêm họng do virut thì chỉ cần điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm ho, giảm đau họng… mà không cần dùng kháng sinh.
Thuốc hạ sốt giảm đau thông dụng an toàn cho bà bầu là nhóm anilin như paracetamol. Với liều điều trị thông thường, hầu như không có tác dụng phụ, không gây tổn thương đường tiêu hóa, không gây mất thăng bằng, không gây rối loạn đông máu.
Với thuốc hạ sốt, giảm đau có thêm tác dụng chống viêm (aspirin) không nên sử dụng với bà bầu vì dễ gây quái thai trong 3 tháng đầu, còn 3 tháng cuối gây các rối loạn ở phổi, liên quan đến việc đóng ống động mạch của bào thai, mặt khác có thể kéo dài thời gian mang thai và chậm chuyển dạ.
Những lưu ý khi điều trị
Thuốc ngậm tại chỗ: các loại thuốc dạng ngậm đang có bán trên thị trường hiện nay có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm có chứa kháng sinh, nhóm không chứa kháng sinh và nhóm có chứa thêm chất giảm đau. Rất nhiều bà bầu bị viêm họng sử dụng thuốc ngậm tại chỗ vì cho rằng thuốc chỉ tác dụng lên vùng họng để giảm viêm mà không có tác dụng phụ gì, cần lưu ý bất cứ loại thuốc nào cũng không có lợi cho bà bầu bị viêm họng bởi dù là thuốc dùng tại chỗ, song một tỷ lệ nhỏ thuốc vẫn được hấp thụ vào máu và thai nhi qua nhau thai và sữa mẹ. Vì thế, khi chăm sóc bà bầu bị viêm họng, đặc biệt là trong thời gian 3 tháng đầu, chỉ nên súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc điều trị bằng thuốc chấm họng không ảnh hưởng tới thai nhi.
Thuốc ho chỉ sử dụng khi triệu chứng ho làm ảnh hưởng tới thai phụ như ho liên tục làm họ không ăn uống gì được, ngủ kém, ho có thể ảnh hưởng đến thai như đau bụng, dọa sảy thai…
Những bà bầu bị viêm họng mạn làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của thai phụ như triệu chứng khô họng, ngứa họng, ho húng hắng, họng tăng tiết dịch nhày, hơi thở hôi… Trong trường hợp này có thể sử dụng một số bài thuốc Đông y như chế phẩm viên ngậm từ xạ can, cao cồn xạ can, cát cánh, trần bì, la hán, kha tư… cũng có tác dụng tốt trong điều trị và chăm sóc bà bầu bị viên họng, giảm đau, chống viêm tấy, làm mềm và ẩm niêm mạc họng, giảm kích thích xuất tiết, giảm phản xạ ho…
Ngoài ra, cần chú ý chăm sóc sức khỏe bà bầu như tránh đi trời mưa, tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh, ăn những thức ăn có lợi giữ vệ sinh nơi ở luôn sạch sẽ, thoáng mát.